ĐỀN THỜ LIỆT SĨ TỈNH PHÚ YÊN
https://thoinet.vn
Đền thờ liệt sĩ tỉnh Phú Yên được xây dựng từ năm 2021, hoàn thành năm 2022 trên khu đất rộng trên 5 ngàn mét vuông ở phường 9 thành phố Tuy Hoà.
Nhà báo Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM; nguyên TBT báo Sài Gòn giải phóng – tác giả câu đối được đặt trong đền thờ cùng phái đoàn đến dâng hương, tham quan tại di tích.
Theo nhà báo Phan Thanh Bình và Kiến trúc sư Đỗ Như Nông, những người trực tiếp thực hiện công trình văn hoá tâm linh này, điểm nhấn của điện thờ chính là hai bức phù điêu. Phù điêu bên trái, là bức tranh tổng thể tiến trình lịch sử hơn 410 năm tỉnh Phú Yên hình thành và phát triển được thể hiện bằng ngôn ngữ điêu khắc, gắn với những sự kiện tiêu biểu nhất từ mốc lịch sử Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh đưa lưu dân khai mở vùng đất này hình thành làng mạc và lập nên phủ Phú Yên có tên trên bản đồ Tổ quốc năm 1611, đến hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bên cạnh đó khắc ghi những sự kiện lịch sử tiêu biểu trong suốt tiến trình lịch sử đến sự kiện cờ chiến thắng tung bay trên đỉnh Tháp Nhạn (TP Tuy Hòa) ngày 1/4/1975, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên.
Bia ghi công liệt sỹ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”
Phù điêu bên phải, mô tả sự hy sinh cao cả “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các anh hùng liệt sĩ và quần chúng yêu nước đã hóa thân thành “Những trái tim như ngọc sáng ngời” trong lòng đất mẹ để màu xanh cuộc sống – xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển – xây dựng nông thôn mới hiện đại. Phú Yên hôm nay vươn mình mạnh mẽ thực hiện tiến trình đô thị hóa TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, TX Đông Hòa và các thị trấn góp phần tạo dựng vóc dáng hiện đại của tỉnh Phú Yên trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập.
Hình tượng rồng ở đền thờ liệt sĩ là biểu tượng truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Hai con rồng chầu hình tượng tia nắng mặt trời được khắc họa trên mặt trống đồng Đông Sơn . Hình ảnh tia nắng còn là biểu tượng cho tỉnh Phú Yên vùng đất cực Đông, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam.
Hoa văn họa tiết ở các văn bia, bức hoành, bàn thờ và các thân cột, rèm cột được thể hiện hài hòa với không gian kiến trúc đền thờ. Nội dung ngôn ngữ khắc họa dễ cảm nhận và tôn lên được sự trang nghiêm trong không gian thờ cúng.
Ngoài việc trưng bày câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về liệt sĩ, thương binh- những người có công với nước, đền thờ liệt sĩ tỉnh Phú Yên còn trích thơ, câu đối… của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng từ cổ đến kim của cả nước. Đối diện với điện chính, ngay hai bên cửa ra vào là hai câu đối : “ Trải tấm lòng son vì đất nước / Đem dòng máu đỏ giữ quê hương ( Bảo Định Giang) và “ Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc / Hồn bay lên hoá linh khí Quốc gia ( Trần Thế Tuyển). Cạnh đó có trích đoạn thơ của các nhà thơ nổi tiếng như : Trần Cao Vân, Võ Trứ, Lê Thành Phương, Hữu Loan, Nguyễn Mỹ…
Theo nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Phan Đình Phùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, người trực tiếp chỉ đạo hình thức và nội dung trong đền thờ, cách thể hiện này mang tính bao quát, không đi vào cụ thể là nhằm thể hiện sự tri ân, ghi tạc công lao của tất cả tiền nhân từ thời mở đất, những người con của Phú Yên và của đất nước, đồng bào đã hy sinh vì nghĩa lớn và các anh hùng liệt sĩ trong suốt tiến trình lịch sử hơn 410 năm hình thành vùng đất Phú Yên; hai cuộc kháng chiến vĩ đại, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND VN (22/12) và 60 năm Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu Không Số vào bến ( 28/11/ 1964- 28/11/2024), đền thờ liệt sĩ tỉnh Phú Yên là một trong những địa điểm thu hút sự quan tâm của mọi người; trong đó có các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước; du khách trong và ngoài nước.
Dịp này, Ban quản lý đền thờ liệt sĩ tỉnh Phú Yên vinh dự được đón Đại tá, nhà thơ, nhà báo Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM; nguyên TBT báo Sài Gòn giải phóng – tác giả câu đối được đặt trong đền thờ.
Được biết, lần đầu tiên xuất hiện trong đền thờ liệt sĩ Long Khốt, huyện Vĩnh Hưng tỉnh Long An ( 2009), đến nay ( 2024), đôi câu đối này của nhà thơ Trần Thế Tuyển đã được chọn khắc trên chuông đồng, hoành phi ở trên 60 đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ, nhà truyền thống, bảo tàng…trong cả nước ./.
NINH CƠ GIANG