Cán bộ thời đại số: Cẩn ngôn, kỷ cương, vững tín

https://thoinet.vn

Mạng xã hội là công cụ tất yếu với cán bộ, công chức thời đại số nhưng cũng là “gót chân Achilles” nếu thiếu bản lĩnh và kỷ luật phát ngôn. Chỉ một phút sơ suất có thể đánh đổi cả hình ảnh, uy tín cá nhân, đơn vị và niềm tin của người dân về vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức.

Chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, phát ngôn cảm tính

Cách đây không lâu, một chuyên viên văn phòng UBND TPHCM đã bị xử lý kỷ luật sau khi đăng tải trên Facebook cá nhân nhiều bài viết tổng hợp từ internet liên quan đến các vụ việc gây chú ý trong dư luận. Nhiều nội dung trong đó không chỉ sai lệch bản chất vụ việc mà còn mang tính xuyên tạc, hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Sau đó người này bị khai trừ khỏi Đảng vì “thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái tư tưởng chính trị rất nghiêm trọng”.

Tháng 3-2019, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng đã ra quyết định khai trừ Đảng đối với một đảng viên do viết, đăng tải tin bài sai sự thật, đi ngược quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước. Vi phạm bị đánh giá là “rất nghiêm trọng”, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên. Tháng 7-2020, một đảng viên tại một trường sĩ quan trong quân đội bị khai trừ khỏi Đảng sau khi có các bài viết và phát ngôn trên mạng xã hội trái với quan điểm, đường lối của Đảng…

I3b.jpg
Một công chức bị khởi tố vì đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh sai trái, có thông tin xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín của nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Theo Báo cáo Digital 2025 Vietnam đầu năm 2025, Việt Nam có 79,8 triệu người dùng internet (tương đương 78,8% dân số) và 76,2 triệu tài khoản mạng xã hội (75,2% dân số). Mỗi người Việt Nam dành trung bình 6 giờ 5 phút mỗi ngày cho hoạt động trực tuyến, trong đó hơn 2 giờ là dành riêng cho mạng xã hội. Trong số hàng chục triệu tài khoản ấy, có không ít cán bộ, công chức.

Nhiều người đã biết tận dụng mạng xã hội để lan tỏa giá trị tích cực. Điển hình như trang Facebook cá nhân của Đại úy Dương Hải Anh, Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2022, xây dựng và lan tỏa dự án “Nuôi em Mộc Châu”, hỗ trợ hơn 8.000 học sinh mầm non tại Sơn La có bữa ăn đủ dinh dưỡng. Hoặc Fanpage “Cột cờ Thủ Ngữ” của Đảng bộ phường Bến Thành, cán bộ, công chức đã chủ động tuyên truyền, phản bác các luận điệu xuyên tạc, chia sẻ thông tin chính thống đến người dân…

Tuy vậy, bên cạnh những điểm sáng vẫn còn đó những “vùng tối” khi một bộ phận cán bộ, công chức sử dụng mạng xã hội tùy tiện, chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, phát ngôn cảm tính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của chính mình và tổ chức.

Đạo đức công vụ trong môi trường mạng

Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, Điều 14 Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực ngày 1-7-2025 quy định rõ những việc cán bộ, công chức không được làm: “Trốn tránh, thoái thác, né tránh, đùn đẩy trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý nghỉ việc, bỏ việc; tham gia đình công; đăng tải, phát tán, phát ngôn thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của đất nước, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác”. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý về đạo đức công vụ trong môi trường mạng.

Theo Nghị định số 172/2025/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025), hành vi phát ngôn sai sự thật có thể bị xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức, đến buộc thôi việc. Với hành vi phát tán thông tin giả mạo trên mạng xã hội, khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định, cá nhân vi phạm có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng và buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Việc “chia sẻ lại” thông tin sai lệch cũng bị xử lý như hành vi cung cấp.

Về mặt hình sự, người phát tán tin giả có thể bị xử lý theo các tội danh: Điều 155 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) về tội làm nhục người khác, mức phạt cao nhất đến 5 năm tù; Điều 156 tội vu khống, phạt đến 7 năm tù; Điều 288 về tội đưa/sử dụng trái phép thông tin mạng, mức phạt đến 7 năm tù. Điều 331 về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, mức phạt đến 7 năm tù. Điều 117 về tội làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống Nhà nước, mức phạt đến 20 năm tù.

Quan trọng hơn, việc giữ gìn kỷ luật phát ngôn không chỉ là tuân thủ luật định mà còn là một phần trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng giờ đây không chỉ là chuyện “chống bên ngoài”, mà còn là quá trình “tự chỉnh đốn, tự soi rọi”.

TS Nguyễn Trần Như Khuê – Trưởng Bộ môn Luật Học viện Cán bộ TPHCM, cho rằng trong thời đại số, thông tin lan truyền với tốc độ rất nhanh và rất khó kiểm soát. Chỉ một phát ngôn thiếu kiểm chứng, một chia sẻ cảm tính của cán bộ, công chức cũng có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cả hiệu lực quản lý điều hành của cơ quan công quyền.

“Cán bộ, công chức cần nhận thức được vai trò của mình trên không gian mạng là chủ thể tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; là đại diện cho hình ảnh của cơ quan nhà nước, vì vậy mỗi người cần phải ý thức về phát ngôn của mình, truyền tải những thông tin đúng đắn, tích cực. Bên cạnh đó cũng cần đấu tranh chống lại những hành vi sai trái trên không gian mạng theo đúng quy định của pháp luật”, TS Nguyễn Trần Như Khuê chia sẻ.

Theo: Sài Gòn ONNILE
guest
0 BÌNH LUẬN
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
Tất cả