Hà Tĩnh: Tiên Sơn vào hội mừng xuân
https://thoinet.vn
Quần thể di tích lịch sử – văn hóa Tiên Sơn ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh nằm dưới chân núi Hồng. Đây là một trong những nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất có bề dày cách mạng. Cùng với những cảnh quan sơn thủy hữu tình, nơi đây được xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội vùng phía bắc tỉnh Hà Tĩnh.
Đền Tiên trong quần thể di tích Tiên Sơn. Ảnh Cao Cường
Quần thể di tích Tiên Sơn được mệnh danh là không gian huyền thoại. Nơi đây có các điểm thờ tự, điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng như đền thờ Thánh mẫu, đền thờ bà Chúa Kho, đền Tiên, chùa Tiên, đền thờ Thánh tổ nghề…
Truyền thuyết kể rằng, vùng đất này xưa kia vốn là chốn thanh bình, tĩnh lặng, những lúc trăng thanh gió mát, các già tiên râu tóc bạc phơ giáng trần để cùng thưởng trà, đánh cờ và đàm đạo. Trong một lần đang đánh cờ, vô tình người đời nhìn thấy, biết lộ nên các tiên ông vội bay về trời, để lại bàn cờ đá; về sau người dân dựng nên đền Tiên. Cũng có truyền thuyết khác kể lại, xưa kia, có người con trai lên núi Tiên hái thuốc về chữa bệnh cho cha. Khi về gặp 2 vị Tiên đánh cờ, mới chỉ xem một ván mà trở về thì cha đã mất và đã mãn tang. Vì lẽ đó, nhân dân nơi đây đã dựng nên đền Tiên để thờ phụng.
Đền Mẫu trong quần thể di tích Tiên Sơn
Lại có truyền thuyết về ông Đùng, là tổ sư nghề rèn. Khi xưa ông Đùng ở trên dãy Ngàn Hống (tên khác của núi Hồng Lĩnh), thấy dân gian không có đồ dùng để sản xuất, bèn moi đất lấy sắt lên, nhổ cây rừng đốt than, rèn dao, cuốc, phân phát cho mọi nhà. Các bậc cao niên trong làng đến xin cho con cháu theo học nghề, ông Đùng vui lòng truyền dạy. Những người thợ rèn đầu tiên ấy đã lập nên làng rèn Vân Chàng, Minh Lang. Về sau, thợ rèn nhớ ơn ông Đùng đã dựng đền thờ ông trên núi Tiên Sơn.
Hình ảnh Lễ tế Đức Thánh Tổ nghề rèn sáng 07 tháng Giêng Âm Lịch năm Ất Tỵ 2025.
Trong quần thể di tích lịch sử – văn hóa Tiên Sơn còn có đền thờ bà Chúa kho, đền thờ Thánh mẫu, chùa Tiên Sơn… Tương truyền, bà Chúa kho là người giúp dân trồng lúa nước để có cuộc sống ấm no, tài lộc và chăm lo ngân khố, quân lương cho triều đình đánh giặc giữ nước. Khi bà mất nhân dân nhớ công đức mà lập đền thờ bà. Đây là đền thờ bà Chúa kho duy nhất của vùng đất miền Trung. Hàng năm, vào ngày giỗ bà (12/1 âm lịch), nhân dân địa phương đều tổ chức rất trang trọng với những nghi thức truyền thống. Đền Thánh mẫu có kiến trúc bằng gỗ với những nét chạm khắc tinh xảo, bài trí theo thứ bậc các cung thờ tam phủ, tứ phủ, là tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Chùa Tiên Sơn là ngôi chùa cổ có niên đại cùng các hạng mục tại quần thể di tích Tiên Sơn. Chùa được xây dựng khá bề thế, thu hút đông đảo phật tử thập phương thường xuyên hương khói, lễ bái.
Chùa Tiên Sơn cổ kính đang tiếp tục kêu gọi tôn tạo, trùng tu
Đền thờ Bà Chúa Kho tổ chức Lễ hội mở kho sáng ngày 11 tháng Giêng ÂL năm Ất Tỵ
Hằng năm, tại quần thể di tích lịch sử – văn hóa Tiên Sơn sẽ tổ chức nhiều lễ hội chính như: Lễ tế Thánh tổ truyền nghề rèn vào ngày 07 tháng Giêng; Lễ húy kỵ bà Chúa Kho vào ngày 12 tháng Giêng; Đại lễ hội Tiên Sơn với nhiều nghi lễ tín ngưỡng truyền thống, nhất là nghi lễ chầu văn, hầu đồng… được duy trì thường xuyên từ tháng 01 đến tháng 12 Âm lịch.
Lễ hội đền Mẫu trong quần thể di tích Tiên Sơn trong tháng Giêng, tháng hai Âm lịch hàng năm
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật độc đáo, năm 2012, quần thể di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Năm 2013, nơi đây được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam chọn làm điểm bảo tồn nghi lễ chầu văn của người Việt. Năm 2015, quần thể di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và UNESCO thế giới cấp bằng bảo trợ là địa danh có giá trị lịch sử, văn hóa và giáo dục truyền thống. Việc UNESCO cấp Bằng bảo trợ di tích lịch sử văn hóa sẽ tạo động lực để các ban ngành chức năng tiếp tục trùng tu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của di tích.
Từ giá trị lịch sử văn hóa hiếm có trên dãy đất Miền Trung, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là phường Trung Lương đang tiếp tục quan tâm bảo tồn giá trị văn hóa tín ngưỡng tâm linh, một di tích đẹp, điểm đến du lịch văn hóa tâm linh đang mở hội đón du khách mừng xuân Ất Tỵ năm 2025.
Bách Khoa – Cao Cường