KÝ ỨC NGÀY ĐẦU GIẢI PHÓNG CAM PU CHIA

Đại tá Trần Thế Tuyển 

( nguyên phóng viên mặt trận ) 

Trong cuộc đời cầm súng và cầm viết, tôi may mắn có mặt trong hai thời khắc hiếm hoi của lịch sử. Đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975- kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn và ngày 7-1-1979 giúp nhân dân Cam Pu Chia giải phóng Phnom Pênh.

MỘT 

Đã mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in sáng sớm hôm ấy. Đó là một ngày đầu tháng Chạp năm Mậu Ngọ ( 1978), tiết trời Sài Gòn se lạnh, anh Mai Bá Thiện, thủ trưởng trực tiếp, đánh thức chúng tôi từ rất sớm:

Nào dậy đi. Lên xe, anh mời hai chú phở Hoà để lên biên giới cho may mắn.

Tôi và Xuân Hoà theo anh chạy ra đường Pasteur – nơi có tiệm phở Hoà nổi tiếng lúc bấy giờ. Ngồi trước tô phở nghi ngút khói, giọng anh Thiện trầm ấm:

Chiến dịch này khốc liệt lắm . Hai chú đi công tác bảo trọng. Mong hoàn thành nhiệm vụ, trở về.

Khuya hôm ấy, tôi và phóng viên Xuân Hoà đã có mặt trên biên giới Tây Nam- đoạn thuộc huyện Lộc Ninh ( Sông Bé ). Đó là nơi trú quân của Trung đoàn 174 đơn vị thời chống Mỹ của tôi. Đêm nay, nhiệm vụ của chúng tôi là vượt qua sông Mê Kong ( đoạn thị xã Kro Chê ) vừa hành quân vừa đánh địch

dọc quốc lộ số 6 sang tỉnh Kong Pông Thom để giải phóng thị xã Siêm Riệp, nơi có ngôi đền thiêng Ăng Kor cổ kính.

Tôi nhớ mãi, đứng trước dòng Mê Kong cuộn chảy, tướng Năm Ngà ( Nguyễn Minh Châu, Phó Tư lệnh Quân khu 7 trực tiếp làm Tư lệnh tiền phương) bồn chồn vì chưa đưa bộ đội sang sông theo kế hoạch. Nước sông chảy siết, địch bên kia sông dùng hoả lực đón lõng lực lượng ta. Vì thế, sau khi xin ý kiến cấp trên, tướng Năm Ngà ra lệnh cho đơn vị “ lật cánh “ hành quân dọc quốc lộ số 7 qua phà Nic Nương,  qua thủ đô PhNom Pênh để tiến lên Siêm Riệp.

Nhận lệnh, tôi rời Sư đoàn 5 nhảy lên một chiếc xe tăng của Trung đoàn 26 thiết giáp hành quân. Địch chống trả quyết liệt. Chiếc xe tăng của chúng tôi dính mìn, Ngồi trên nóc xe, tôi bị hất tung  xuống vệ đường. May có những bụi chuối nên tôi không bị rơi xuống vực. Rời đơn vị xe tăng, tôi nhảy lên một xe oto chở bộ đội của Sư đoàn 302 hành quân tiến về Thủ đô PhNom Pênh. Mấy ngày vừa

hành quân vừa đánh địch, bụng đói meo mà gặp lúa gạo, gà lợn của dân không dám tơ hào. Chính trị viên tiểu đoàn tên là Thuỵ, một người quen cũ

 nhắc nhở: “ Phải chấp hành nghiêm túc công tác dân vận. Không được lấy cái kim sợi chỉ của dân”. Bụng đói, nước khát, dừng chân, tôi viết bài gửi về toà soạn. Những bữa ăn  bo bo và canh rau rừng ngày ấy nhớ mãi.

Vài ngày sau chúng tôi đến PhNom Pênh. Thủ đô của một quốc gia vắng tanh như bãi tha ma. Đơn vị bạn đang làm nhiệm vụ quân quản. Các chiến sĩ của Quân đoàn 4( Binh đoàn Cửu Long ) dẫn tôi thăm nhà tù Stung Leng. Nơi đây, bọn diệt chủng Pôn Pốt đã sát hại hàng vạn người Cam Pu Chia vô tội. Khuya. Thành phố như mồ hoang không ánh đèn. Tôi đi dọc những con phố lạnh đến ghê người. Thành phố tráng lệ sầm uất trước dòng sông bốn mặt ngày nào nay thực sự là thành phố chết.

HAI 

Hôm sau chúng tôi hành quân cơ giới lên giải phóng Siêm Riệp. Bọn tàn quân Pôn Pốt phục sẵn dọc đường, gài mìm và bắn B40, B41 cản phá.

Khuya hôm sau, đến Siêm Riệp. Không khác gì PhNom Pênh, Siêm Riệp cổ kính, xinh tươi đang là thành phố chết. Tiền phương Bộ Tư lệnh mặt trận trú quân trong những toà biệt thự “ cao cẳng “ dọc quốc lộ. Tôi theo nhóm trinh sát mặt trận và đội phẫu của Bệnh viện 7E xuống một phum sóc cách trung tâm thị xã không xa.

Bước chân vào ngôi làng, mùi hôi thối bốc lên ngùn ngụt. Ở một gian nhà rộng mà Pôn Pốt gọi là “công xã “ người chết và người sống nằm la liệt, đan xen. Người chết đang thối rữa thi thể còn người sống như bộ xương nằm bất động vì thiếu ăn, thiếu thuốc. Chúng tôi tập trung cứu chữa người còn sống và quy tập thi thể người chết để mai táng theo hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Tối hôm ấy, trở về nơi trú quân, chúng tôi không ăn, không ngủ được. Nhắm mắt đã thấy hiện ra những oan hồn của người dân Cam Pu Chia vô tội. Mùi xác người chết cứ đeo bám chúng tôi không dứt…

BA 

Bây giờ đất nước Cam Pu Chia đã hết chiến tranh, cuộc sống hồi sinh đang thay da đổi thịt từng ngày. Chúng tôi có dịp trở lại chiến trường xưa đi tìm đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống nơi đất bạn.

Thăm lại thủ đô PhNom Pênh, Thành phố Siêm Riệp và cả ngôi làng- phum sóc “ địa ngục trần gian “ năm nào. Cảnh vật đổi thay nhiều quá. Chủ nhân mới của đất nước Chùa Tháp cổ kính và thơ mộng hôm nay có còn nhớ không nơi họ đang sống đã thấm biết bao xương máu của đồng bào, đồng chí của họ; trong đó có những người lính tình nguyện Việt Nam- Bộ đội Cụ Hồ ngày ấy ?

TP HCM- Siêm Riệp, 10-2024 

                   TTT

 

 

 

guest
0 BÌNH LUẬN
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
Tất cả