TÔI CÒN NỢ ĐỒNG ĐỘI NHIỀU LẮM

https://thoinet.vn

TÔI CÒN NỢ ĐỒNG ĐỘI NHIỀU LẮM

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên Hà Vân – Tạp chí Nhà báo và Công luận thuộc Hội Nhà báo Việt Nam có cuộc trò chuyện cùng Đại tá nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM.

Linh khí Quốc gia trân trọng giới thiệu:

PV: Dù có thể là chuyện không mới, nhưng bằng lòng biết ơn và sự trân quý, chúng tôi vẫn muốn được nghe ông kể lại những năm tháng “xếp bút nghiêng lên đường ra trận”… Thời khắc ấy, có lẽ đến bây giờ vẫn là kí ức lắng đọng của một đời người?

Đại tá nhà báo Trần Thế Tuyển (TTT) : Tháng 4 năm 1970, chỉ còn hơn 1 tháng thi tốt nghiệp cấp 3, chúng tôi rủ nhau viết đơn nhập ngũ. Ấy là lúc cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra khốc liệt. Tạm gác ước mơ vào đại học. Chúng tôi hẹn kết thúc chiến tranh, nếu sống sót trở về sẽ học tiếp. Tôi nhớ mãi đêm chia tay, dường như chúng tôi không ngủ. Cỗ liên hoan chỉ vài chiếc bánh mỳ “ông Hợi” và vài củ sắn luộc. Bạn học cùng lớp 10A truyền tay nhau ghi lưu bút. Một bạn gái có đôi mắt lúng liếng ghi rằng: “Anh ra tiền tuyến, chiến đấu giỏi, trở về. Chúng em vẫn đợi“. Trái tim đập nhịp lạ khi đọc dòng chữ ấy. Lần đầu tiên cô bạn học xinh đẹp ấy xưng là “anh em“ và quan trọng nữa “vẫn đợi” ngày chiến thắng trở về.

PV: Câu chuyện ông được giao phụ trách tờ “Tin trung đoàn” cụ thể là như thế nào thưa ông? Vừa cầm súng, vừa cầm bút, người phóng viên chiến trường Trần Thế Tuyển đã tác nghiệp trên mặt trận vang tiếng súng như thế nào?

Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM cùng các tướng lĩnh

TTT:

Giữa năm 1973, đang làm trung đội trưởng trực tiếp chiến đấu tại đại đội 11 tiểu đoàn 6 trung đoàn 174, tôi nhận quyết định lên nhận công tác tại bộ phận chính trị tiểu đoàn 6 và sau đó được điều lên Ban chính trị trung đoàn. Chủ nhiệm

chính trị trung đoàn Lương Quý Mão, người Thái Bình giao nhiệm vu làm trợ lý tuyên huấn, trực tiếp phụ trách tờ tin trung đoàn và đội tuyên văn trung đoàn.

Suốt đêm ấy tôi thao thức. Thế là ước mơ “phóng viên chiến trường “ đã thành sự thực. Cùng phụ với tôi làm “ báo trung đoàn “ có anh Lê Hồng Chiến và hai bạn hoạ sĩ vừa từ Hà Nội bổ sung vào là Nguyễn Trọng Thanh và Văn Ẩm.

Là trợ lý tuyên huấn, tôi được dự các cuộc họp quan trọng và giao ban của trung đoàn. Tôi viết tin bài từ thông tin các cuộc họp ấy. Và sau đó, xuống đơn vị vừa nắm tình hình tư tưởng của đơn vị vừa lấy tư liệu viết bài. Có lần tôi đến đại đội 7 do Kim Văn Bút , bạn cùng nhập ngũ làm chính trị viên đang chốt chặn tại Long Khốt. Địch bao vây, không về được, phải ở lại trận địa qua đêm. Đêm ấy, tôi đã nằm bên Thuý, liên lạc đại đội. Thuý người Hải Phòng, hy sinh từ sáng sớm. Người lạnh như khối nước đá. Tôi vuốt mắt Thuý mà không kìm được nước mắt. Suốt đêm ấy địch dội pháo vào trận địa. Tôi nhớ mãi giọng Kim Văn Bút chắc nịch: “Anh yên tâm, chúng dội pháo nhưng không dám vào đây đâu“.

Hồi ấy, tờ tin trung đoàn không ra định kỳ, có sự kiện là in. Không cố định bao nhiêu trang và số lượng phát hành. Tôi phụ trách nội dung: biên tập, sửa morat . Nguyễn Trọng Thanh và Văn Ẩm thiết kế mi trang và in ấn (roneo). Điều thú vị, kết thúc chiến tranh (30/4/1975), những người làm “báo trung đoàn” ngày ấy đều về làm ở các tờ báo lớn của đất nước. Hai bạn Văn Ẩm, Nguyễn Trọng Thanh về báo Nhân Dân. Còn tôi về làm báo Quân đội Nhân dân.

PV: Trực tiếp tham gia, chứng kiến những cảnh thảm khốc khiến ngòi bút của ông ngày càng trở nên đanh thép. Trên mặt trận bom đạn ấy phải chăng đã tôi rèn “chất thép” trong con người, ngòi bút của ông, dù ở cương vị nào, một nhà báo, một lãnh đạo cơ quan báo chí, một lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí…?

TTT:

Thực ra, lúc viết đơn nhập ngũ vào chiến trường, tôi không nghĩ mình trở thành người cầm viết, thành “phóng viên mặt trận“. Nhưng cuộc sống khốc liệt của người lính trận đã thôi thúc tôi vừa cầm súng, cầm viết. Sau này được làm việc ở các tờ báo có uy tín như: Quân khu 7, QĐND, SGGP và có lúc làm quản lý nhà nước về báo chí tại Bộ VHTT- Bộ TTTT, tôi nhận ra mình có thể “vượt lên chính mình” đảm đương nhiệm vụ ấy, bắt đầu từ những ngày làm “báo trung đoàn“ trong chiến tranh.

PV: Khi nghỉ hưu, ông vẫn luôn đau đáu: “Nói may mắn là bởi chiến tranh quá khốc liệt, chẳng ai biết mình có thể sống đến ngày thống nhất hay không”. May mắn hay là “có lãi” đối với những người cầm bút, người lính đã kinh qua thời bom đạn…phải chăng cũng là động lực để ông tiếp tục làm những công việc của nghĩa tình với đồng đội và phải chăng đó cũng là lí do của Nghĩa tình Trường Sơn, của rất nhiều chương trình hỗ trợ các cựu TNXP, các liệt sĩ…mà ông đã và đang lặng lẽ thực hiện?

TTT:

Vâng. Đúng như vậy, khi làm báo chuyên nghiệp và tham gia sáng tác văn chương, dù có hơn 20 đầu sách trình làng tôi vẫn nghĩ mình còn nợ đồng đội nhiều lắm. Món nợ ấy, cụ thể nhất ở 2 điểm. Thứ nhất, cùng nhập ngũ, cùng vào chiến trường, bạn bè, đồng đội nằm lại giữa tuổi 20. Còn mình sống sót trở về, có gia đình, sự nghiệp. Mình phải trả ân đồng đội. Thứ 2, mình may mắn là nhân chứng của giai đoạn lịch sử khốc liệt, hào hùng, là người cầm viết, mình phải viết về đồng đội viết về những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy…

Vì thế, khi nghỉ hưu, đã có tuổi, sức khoẻ không được như trước, tôi vẫn cùng các bậc đàn anh và đồng đội “dấn thân” thêm một lần nữa: tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ đi tìm đồng đội, đưa hài cốt đồng đội về quê; xây những ngôi đền thờ liệt sĩ nơi chiến trường xưa như: Quảng Trị, Quảng Bình; Long An, TP.HCM, Kiên Giang, Điện Biên…

Tôi rất hạnh phúc ở các ngôi đền ấy và nhiều địa phương trong cả nước đã dùng hai câu thơ của tôi thành hai câu đối khắc trạm trong các nơi thờ tự liệt sĩ, nhà bảo tàng, nghĩa trang, phòng truyền thống. Hai câu thơ là:

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên hoá linh khí quốc gia!

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Vân (thực hiện)

guest
0 BÌNH LUẬN
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
Tất cả